Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Huỳnh Nga - bậc thầy đạo diễn cải lương

NSND Huỳnh Nga qua đời hôm 21/2 ở tuổi 88, sau thời gian điều trị bệnh thận, hô hấp và tim mạch. Bạch Tuyết, Lệ Thủy - hai gương mặt từng tham gia vở Đời cô Lựu - gọi ông là bậc thầy của sân khấu cải lương. Qua tài dàn dịch vụ biên dịch dựng của ông, nhiều tác phẩm như Đời cô Lựu, Tiếng sáo đêm trăng, Hoa độc trong vườn, Người giữ mộ ... gây tiếng vang, từng bước tạo nên tên tuổi cho hàng loạt nghệ sĩ.

trong live show Phong trần theo nghiệp Tổ do đạo diễn Thanh Hiệp dàn dựng năm 2015 tại Nhà hát TP

Đạo diễn Huỳnh Nga (trái) bên danh hài Hoài Linh trong liveshow "Phong trần theo nghiệp tổ" năm 2015 tại Nhà hát TP HCM. Ảnh: Thanh Hiệp.

Huỳnh Nga xuất thân từ một gia đình nghèo ở Long An. Cha ông đi ở đợ, mẹ làm thuê, thuở bé, ông khát khao được đến trường. Lớn lên, ông đi làm giao liên cách mạng. Ông bén duyên sân khấu khi làm nghề bồi giấy, pha màu cho NSND - họa sĩ Hoàng Tuyển vẽ tranh, rồi được nhận vào Đoàn kịch khu 8. Đam mê diễn xuất của ông dần trỗi dậy qua các vở: Đồng xanh máu đỏ, Miếng sắt cũ, Mưu dân quân ... Cuối năm 1956, ông giải ngũ, xin vào Đoàn cải lương Nam bộ làm diễn viên và bắt đầu gắn bó nghiệp đạo diễn.

Vốn là dân ngoại đạo so với nhiều đồng nghiệp lừng lẫy đương thời như Mỹ Châu, Thanh Tuấn... Huỳnh Nga luôn dày công tầm sư học đạo. Ông tham gia các khóa học ngắn ngày do các thầy từ Trung Quốc, Liên Xô (cũ) sang tập huấn. Năm 1968, ông quyết định sang Romania học làm đạo diễn trong bốn năm. Ông luôn tư duy làm sao để thiết kế, bố cục sân khấu tôn tinh thần tác phẩm.

Sau năm 1975, ông về TP HCM công tác, được phân dàn dựng vở Gánh cỏ sông Hàn của đoàn Hương Mùa Thu chỉ trong năm ngày. Khi đó, "dưới trướng" của ông là Minh Phụng, Hoài Thanh, Ngọc Hương... - những giọng ca cải lương lừng lẫy của miền Nam. Lúc ấy, ông chuyên về kịch nói, chưa có kiến thức sâu về cải lương. Với ông, tiếng đờn vọng cổ phức tạp hơn tân nhạc vì một chữ có thể nhấn nhá thành nhiều âm điệu. Đêm nằm gác tay lên trán, ông thao thức, nhận ra Sài Gòn đang là miền đất hứa của cải lương, còn kịch nói lúc đó chỉ có đoàn Kim Cương. Ông quyết định học lại cải lương từ đầu, kết hợp kiến thức sách vở với kinh nghiệm từ các nghệ sĩ xung quanh. Vở Gánh cỏ sông Hàn ra đời và lôi cuốn khán giả.

Vở Đời cô Lựu - dàn dựng năm 1983 - đánh dấu một mốc son mới của Huỳnh Nga . Khi đó, theo đề nghị của Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM, các nghệ sĩ dựng một vở cải lương chuẩn mực sang Đức biểu diễn cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc ( UNESCO) xem. Trước đó, vở đã gây tiếng vang qua diễn xuất của thế hệ nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân, Thanh Nga... tại đoàn Thanh Minh. Huỳnh Nga chịu áp lực phải đổi mới vở, đồng thời vẫn giữ được tinh thần gốc của tác phẩm. Nhờ sự hỗ trợ của soạn giả - NSND Viễn Châu, phiên bản mới ra đời với sự tham gia của Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương, Diệp Lang... Qua lối dàn dựng của Huỳnh Nga, khán giả thuở ấy ấn tượng mạnh với lớp diễn bi thương của Lệ Thủy, Minh Vương qua nhân vật tiểu thư nhà giàu Kim Anh và chàng trai lưu lạc Võ Minh Luân.

N hân vật Bảy "cán vá" cũng là một trong những đổi mới được đánh giá cao của cố đạo diễn so với bản cũ. Với diễn xuất của nghệ sĩ Ngọc Giàu, tiếng cười từ Bảy "cán vá" - người giúp việc trong gia đình Kim Anh - tạo thêm màu sắc hài hước, bên cạnh câu chuyện bi thương của tuyến nhân vật chính. Tác phẩm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một năm 1996. Huỳnh Nga được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân một phần nhờ vở này.

NSND Lệ Thủy và Bạch Tuyết hát 'Đời cô Lựu'
 
 
NSND Lệ Thủy và Bạch Tuyết hát 'Đời cô Lựu'

NSND Lệ Thủy và Bạch Tuyết trong trích đoạn "Đời cô Lựu". Video: Youtube.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết - người đóng vai cô Lựu - đánh giá, nhiều tác phẩm qua bàn tay của đạo diễn Huỳnh Nga đã góp phần giúp sân khấu cải lương Sài Gòn khôi phục thời hoàng kim. " Trong đó, Đời cô Lựu là tác phẩm đỉnh cao đánh dấu chặng đường đưa cải lương hòa nhập với đời sống văn hóa toàn cầu khi đoàn cải lương 284 lưu diễn ở châu Âu. Tác phẩm gây tiếng vang đến mức nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ tham gia vở đã được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân", bà kể.

Sau Đời cô Lựu , Huỳnh Nga được xem là đạo diễn kỳ cựu của sân khấu cải lương. Nhiều đồng nghiệp gần như quên hẳn ông xuất thân là dân kịch. Đạo diễn Thanh Hiệp - từng thực hiện chương trình tôn vinh Huỳnh Nga năm 2013 - nói về cố đạo diễn: "Ông đặt nền tảng cho những thủ pháp mộc mạc nhưng thấm sâu trong tâm thức người xem về nghệ thuật cải lương Nam Bộ". Sau đó, ông vẫn tìm tòi để cho ra đời những vở như Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Tấm Cám ... Ông ví mình như con kiến, tha dần chút kiến thức bồi đắp đam mê làm nghề.

Nhiều hậu bối ấn tượng với Huỳnh Nga bởi tính dí dỏm, luôn nhiệt huyết với diễn viên trẻ. Nghệ sĩ Điền Trung gọi cố đạo diễn là ông ngoại vì ông từng dạy mẹ anh. Năm 2007, anh tập tiết mục Giang sơn mỹ nhâ n ở rạp Hưng Đạo - nơi Huỳnh Nga thích uống cà phê mỗi sáng. Thấy anh diễn chưa đạt, ông lên sân khấu mắng rồi thị phạm. Xong, ông cười rồi chắp tay sau lưng ra ngoài tiếp tục tán dóc. Ông còn rất thích đùa. Một lần, thấy anh dựng xe máy trước rạp để tập tuồng, ông chạy lại, mượn năm nghìn đồng. Điền Trung nói ông muốn mua gì để anh đi mua giúp cho, ông đáp: "Không, tao đi mua cái khăn lau xe giúp mày, nhìn cái xe dơ thấy gớm!".

Một thời gian dài, ông chịu cảnh thiếu thốn trong bệnh tật. Cuối năm 2012, nghệ sĩ nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, giữa năm 2013 phẫu thuật cắt bỏ ung thư trực tràng. Từ đó, ông gầy rộc, giao tiếp khó khăn, trí nhớ cũng giảm sút rõ rệt. Lúc ấy, một tay vợ đạo diễn chăm sóc ông. Bà vốn là diễn viên của đoàn kịch Công an. Lấy ông, bà từ bỏ nghiệp diễn, chọn công việc hành chính để có thời gian lo cho gia đình. Từ số lương ít ỏi của vợ chồng, bà lo thu vén cuộc sống, nuôi ba con chung và một con riêng của ông.

Nhiều năm liền, gia đình ông - 13 thành viên (bao gồm vợ chồng nghệ sĩ, vợ chồng ba con trai cùng năm người cháu) - chung sống trong một căn hộ tập thể rộng hơn 60 m2. Năm 2017, theo chỉ đạo của Thành ủy TP HCM, Huỳnh Nga được trao tặng căn chung cư ở quận 4, trị giá hơn hai tỷ đồng. Cuộc sống gia đình ông từ đó mới bớt chật vật phần nào.

Vợ chồng đạo diễn Huỳnh Nga năm 2015. Ảnh: Châu Mỹ.

Vợ chồng đạo diễn Huỳnh Nga năm 2015. Ảnh: Châu Mỹ.

Những năm cuối đời, ông vẫn tâm huyết với sự đổi mới trong cải lương. Năm 2018, ông phản đối việc nghệ sĩ Gia Bảo đưa Bolero vào vở Đời cô Lựu khi tái dựng. Ông cho rằng đây là vở kinh điển, không cần đến Bolero để chạy theo thị hiếu số đông. "Tôi ủng hộ mọi thử nghiệm, nhưng chúng phải tôn được cái hay, cái độc đáo cho cải lương. Nếu kết hợp mà không ăn rơ, hoặc na ná nhau, khán giả sẽ không còn mặn mà", ông từng nói.

Lễ viếng NSND Huỳnh Nga được tổ chức tại Nhà tang lễ TP HCM từ ngày 22/2. Lễ truy điệu diễn ra sáng 24/2, linh cữu nghệ sĩ được an táng ở Long An.

Mai Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét