Bà Kim Thị Phương là một trong ba cổ đông của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco), doanh nghiệp vừa đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng ngày 17/1. Quy mô vốn đăng ký của USC Interco thậm chí cao hơn cả Viettel và chỉ đứng sau hai tập đoàn Nhà nước là PVN và EVN.
Căn nhà của bà Kim Thị Phương - một trong ba cổ đông công ty mới lập vốn 144.000 tỷ đồng cũng là nơi được đăng ký làm trụ sở kinh doanh. Ảnh: Minh Sơn. |
Chiều nay (27/2), ngồi trong phòng khách hơn 20 m2 ngổn ngang hàng chục bình nước, bà Phương, người đăng ký nắm giữ 30% vốn, tương đương 43.200 tỷ đồng và với vai trò kế toán trưởng nói với VnExpress "mình không biết gì cả".
Bà kể, hôm qua, người nhà tình cờ đọc trên báo mới biết mình là cổ đông góp vốn hàng chục nghìn tỷ đồng để thành lập công ty. Cuộc sống của gia đình bà đảo lộn, không đếm nổi bao nhiêu lượt người đến nhà. Sau đó, bà gọi điện cho một cổ đông khác của USC Interco, nhận được câu trả lời "chắc là nhầm lẫn con số khi đi đăng ký vì hôm đó uống rượu say".
"Mấy ông kia uống rượu vào, nhiều chữ số quá nên ghi nhầm đấy. Tôi nào có biết gì, giờ già rồi, còn đang chạy ăn từng bữa thì lấy đâu tiền góp vốn", bà Phương nói.
Bà thông tin thêm, sáng nay đã ra Bộ Kế hoạch & Đầu tư hủy đăng ký lập công ty này. "Hôm qua mọi người đến nhà như một cái chợ, cuộc sống đảo lộn hết. Thôi tốt nhất là phải ra hủy thôi", bà Phương kể.
Một góc phòng khách nhà bà Kim Thị Phương - cổ đông đăng ký giữ 30% vốn trong doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng. Ảnh: Minh Sơn |
Căn nhà ba tầng tại thôn Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức của bà Phương là nơi ở, cũng là nơi kinh doanh của gia đình. Phòng khách hơn 20 m2 có một bộ bàn ghế, một kệ tivi, còn lại là chỗ để các bình nước. "Ai gọi nước thì tôi mang. Có hôm tôi phải chạy xe máy từ Hoài Đức lên tận Long Biên để ship nước cho khách. Chạy ăn từng bữa chứ làm gì có tiền", cổ đông của "siêu doanh nghiệp" nói.
Bà Phương, với trình độ "học hết lớp 5 ở trường làng", cũng sửng sốt khi biết mình được đề tên là kế toán trưởng của doanh nghiệp. "Nếu mà đến trình độ kế toán trưởng thì tôi đã không ngày ngày đi ship hàng thế này".
Nói về lý do ban đầu thành lập doanh nghiệp, bà Phương cho biết do sự tư vấn của ông Nguyễn Hoàn Sơn, một cổ đông khác của USC Interco. Làm nghề kinh doanh nước, bà cũng muốn có một thương hiệu riêng để làm ăn. "Có doanh nghiệp thì vẫn hơn chứ, lúc đó mình sẽ tự kinh doanh được", bà nói.
Lúc nhận giấy tờ để ký, bà Phương nghĩ doanh nghiệp làm chung này có quy mô vốn cùng lắm chỉ vài tỷ đồng, mấy người cùng góp vào để làm ăn. Bà không ngờ quy mô vốn "bị ghi nhầm" lại lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
"Cũng may là biết mà hủy sớm chứ không thì sau phát sinh chuyện gì không biết rồi sẽ ra sao", bà Phương nói.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2020 đã tăng đột biến 115% do có một doanh nghiệp mới lập với số vốn 144.000 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng vốn đăng ký lập mới cả nước. Theo Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC.
USC Interco đặt trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ba cổ đông của USC Interco đều là cá nhân, với ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ, bà Kim Thị Phương và ông Trần Gia Phong mỗi người góp 43.200 tỷ đồng.
USC Interco đăng ký 59 ngành, nghề kinh doanh, với lĩnh vực chính là kinh doanh bất động sản. Giám đốc công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979, với số thẻ căn cước 001079018541, là một trong ba cổ đông góp vốn. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng cục thuế, số căn cước này thuộc về một cá nhân khác tên Lê Văn Dũng.
Ông Lương Huy Hà, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Lawkey Việt Nam cho biết quy trình đăng ký doanh nghiệp khá đơn giản. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp không thẩm định số vốn góp ngay tại thời điểm đăng ký mà các cổ đông phải góp đủ vốn trong vòng 90 ngày từ ngày được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Nếu cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, doanh nghiệp điều chỉnh số vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được trả đủ.
Bên cạnh đó, pháp luật cấm và có chế tài xử phạt việc khai khống đăng ký doanh nghiệp nhưng trên thực tế không dễ để áp dụng và đủ chứng cứ chứng minh. Kể cả bị xử phạt về khai khống mức tối đa chỉ 15 triệu đồng.
Việc chứng minh góp đủ vốn cũng khá lỏng lẻo, chỉ cổ đông là tổ chức mới phải góp vốn bằng chuyển khoản ngân hàng. Còn cổ đông cá nhân không bắt buộc qua tài khoản ngân hàng mà có thể góp vốn bằng tiền mặt hoặc các cách khác (tài sản). Do đó, chỉ cần công ty lập chứng nhận Công ty dịch thuật chuyên nghiệp - MIDtrans Blog góp vốn bằng tiền mặt và đưa vào hồ sơ sổ sách kế toán.
Minh Sơn - Quỳnh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét